Những câu hỏi không lãng mạn
Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
Bài đã được xuất bản.: 07/01/2010 07:30 GMT+7In
Ta hỏi một con chim: Ngươi cần gì? Chim trả lời: Ta cần bay. Một con chim được ăn kê béo trong lồng sẽ trở thành một con gà bé bỏng tội nghiệp và vô dụng. Ta hỏi dòng sông: Ngươi cần gì? Sông trả lời: Ta cần chảy. Nếu một dòng sông không chảy thì chỉ là một vũng nước, khô cạn dần và biến mất. Ta hỏi con tàu: Ngươi cần gì? Con tàu trả lời: Ta cần được ra khơi. Nếu con tàu không ra khơi, nó chỉ là một vật biết nổi trên mặt nước và sẽ chìm dần theo thời gian. Ta hỏi một con người: Ngươi cần gì? Con người này trả lời: Ta cần được lao động trong sáng tạo.
Được lao động. Ước vọng này tưởng chẳng có gì phải bàn. Nhiều người nghe vậy sẽ nói: Thế thì ngươi hãy lao động đi. Nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Hãy mời người tài làm việc như Lưu Bị mời Khổng Minh. Nếu Lưu Bị không biết Không Minh là ai và không vì sự nghiệp lớn của thiên hạ thì Trung Hoa và thế giới không bao giờ biết tới con người này. Không có Lưu Bị thì Khổng Minh chỉ là một hiền nhân đọc sách trên núi nhàn thân mà chẳng giúp gì được thiên hạ.
Nhưng thời nay, “Khổng Minh” (tạm chỉ những người tài) có không? Đáp: Không ít. Vậy “Lưu Bị” có không? Đáp: Quá ít. Xã hội nào cũng có “Khổng Minh”. Nhưng nhiều “Khổng Minh” thời nay không phải ở trên núi đọc sách, ngâm thơ mà ngồi trong công sở đọc hồ sơ cũ và uống nước trà vặt từ sáng đến tối. Nhiều người trong số họ vẫn lên lương đều đều, vẫn được một vài quyền lợi như khám bệnh, nghỉ mát… nhưng không "được" làm việc. Không ít những ông thủ trưởng cơ quan thấy nhân viên có tài thì ngại, rồi ghét, thậm chí là thù. Thủ trưởng dốt và không có tâm thường sợ nhân viên giỏi.
Lưu Bị xưa không phải là kẻ tài cao trong thiên hạ, nhưng đức của ông thì quả là cao, tâm ông quả là rộng. Bởi thế mà kẻ tài cao chí lớn như Quan Vân Trường, Trương Phi sau này đến Khổng Minh, đều tôn ông là minh chủ. Người tài thực là kẻ không màng danh lợi mà chỉ thèm được mang cái chí của mình ra giúp thiên hạ. Mang hai cây đa trồng vào hai nơi khác nhau thì ra hai cây khác nhau. Một cây trồng trên đồi sẽ thành đại thụ. Cây kia trồng vào chậu sành sẽ mãi mãi chỉ là thứ cây cảnh. Không thiếu trí thức chỉ là cây cảnh trong một số cơ quan, tổ chức. Hội họp có tên, tiệc tùng tiếp khách có tên... nhưng công việc chính để trí thức này phát huy năng lực chuyên môn của mình thì lại không có.
Người tài ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có cùng phẩm chất giống như các nghệ sĩ. Trời cũng phú cho họ một năng khiếu siêu việt nào đấy. Trong các công việc mà họ làm, có niềm vui thực sự của niềm sáng tạo. Chính vì vậy, lao động không chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ (giống như những người bình thường khác) mà còn là niềm say mê của họ. Họ cần gì? Nhiều người có thể tặc lưỡi nói rằng, ai trên đời chẳng cần nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, đường công danh quang quẻ... Nếu nói những người tài không cần những điều đó thì thực là một câu nói không thực lòng.
Đó là những nhu cầu bình thường của một con người. Nhưng với nhiều người muốn đạt được những điều kiện bình thường đó đã phải sống “không chuẩn mực” đối với bản thân mình. Trái lại, để có được điều ấy, những người tài thực sự luôn luôn làm việc “đúng” với tài năng của mình. Họ không đi đường “vòng”, vì họ có lòng kiêu hãnh mà tài năng của họ phát ra.
Trong xã hội hiện đại với nền kinh tế tri thức, việc đối xử với người tài thế nào là một trong những vấn đề cần được lưu tâm. Nhiều trung tâm công nghiệp mới cũng đã hiểu ra điều này và có những điều kiện rất hấp dẫn chiêu mộ người tài. Tiếc rằng, ở một số nơi, khi đã mời được họ về tỉnh làm việc, cấp nhà cửa cho họ, trả lương cao cho họ... nhưng nhiều người tài mới về tỉnh được vài tháng đã muốn bỏ nhà mới để ra đi. Bởi vì, cái lớn nhất mà những người tài cần là được làm việc theo đúng sở trường của mình, theo đúng môi trường của mình, thì không có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét