Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Chính trị gia về hưu...

Lời dẫn
Tôi là một thường dân ngu ngơ- không phải dân ngu, nhưng rất nhiều trường hợp phải làm ngơ, nhận là mình ngu để tồn tại, hay nói đúng hơn là để cho con cháu mình tồn tại.



Vì vậy nhìn quanh mấy ông thuộc tầng lớp tôi khi về hưu thì thấy ông nào còn lê bước được (kể cả đi xe bus từ đầu đến cuối thành phố) thì nhận dạy dỗ tuần mấy buổi - thường là ở cơ quan cũ, trường cũ - tháng trừ tiền xăng xe, kiếm thêm mấy hào để khỏi xin tiền bu nó khi bạn bè rủ đi làm chầu bia, cà phê...nhưng có một lý do quan trọng hơn là còn được "ngửi" thấy hơi của cuộc sống. Chẳng thế mà có vài ông bạn tôi, hễ có "mối nào" ới một tiếng đi chữa cháy ở tỉnh nảo tỉnh nào là a lê hấp lên đường ngay! Mà cái trò các lớp phi chính qui bây giờ mọc ra nhan nhản như nấm mốc đầu hè, kế hoạch với lịch trình bố thằng con nào mà lập nổi nên: cháy lịch phải cấp cứu là chuyện thường ngày ...ở Giáo vụ! Cái loại hình "đào mà không tạo này" - cái niêu cơm Thạch Sanh của các Nhà trường, theo cách nói của Ngài Giáo sư Phó thủ tướng (Phó Thủ tướng thì đảm bảo hàng XỊN rồi, tôi đã được xem tận mắt mấy lần Ông ăn to nói lớn cắt băng khánh thành nọ kia rất là ...Phó thủ tướng thế nhưng cơ mà cái "nội hàm" Giáo sư kia thì tôi không dám đảm bảo XỊN vì xem ra Ông ta cũng chưa hề dạy dỗ ở đâu đến nơi đến chốn theo những cái được ghi là chuyên môn của mình: Tiến sĩ Toán điều khiển học mà lại được phong hàm Giáo sư Kinh tế trong lúc đang làm...cán bộ Đoàn thì khó hiểu về cái chuyên môn của Ông ta quá!).
Vì vậy dân tình ác khẩu phong cho các ông bạn tôi cái danh là GIÁO GỌI, đại loại là ngồi chờ có điện thoại gọi là ...đi làm ăn (cũng như kiểu gái gọi í mà!). Hay văn hóa cao hơn thì gọi là "giáo dịch vụ " (kiểu dịch vụ dọn nhà, vệ sinh, cửu vạn...thì cũng là lao động cả!)
Còn những ngày không có lớp dạy thì sao? Thì ông ta đến các trường, lang thang từ phòng nọ đến Bộ môn kia hoặc đến phòng nghỉ giáo viên ngồi nghiên cứu các tài liệu kinh điển như Lao động, Hà Nội mới, An ninh nhân dân v..v..chờ lúc giải lao lại có người tán láo...

Có vài ông có cái mác - Gà Sống Thiến Sót - gì gì đó thì cũng có khi được các đại gia "thuê mác" để mở trường, mở lớp...vì sự nghiệp học hành cho con em thì ít mà vì sự nghiệp cắm đất xây nhà thì nhiều nhiều. Nhưng chỉ được ít lâu thì chỉ có ông nào biết thân biết phận, loại này nếu biết thân biết phận nghĩa là phải hiểu mình cũng chỉ là là loại "ô sin có mác" thôi - nhắm mắt ngậm miệng, mỗi năm xuân thu nhị kỳ đến đọc bài phát biểu khai giảng bế giảng thì còn thọ được lâu lâu, tháng được dăm ba đồng, lễ lạt 1/5, 2/9, 20/11...có tí quà còm đỡ tủi. Chứ còn ông nào ngứa ngáy muốn tỏ ra ta đây cũng "biết đôi điều về cái sự giáo dục", nhất là lại muốn thò mũi vào cái chuyên "quản lý" nhà trường thì a lê hấp: Bái bai ngay!
Ấy là cái anh giáo viên, cái anh trí thức có biết tí chữ nghĩa thì về hưu như vậy là hay ho lắm rồi!
Dưng cơ mà các quan chánh trị mà về hưu thì họ làm gì nhỉ???

Lọ mọ mò thấy bài viết trên blog sau đây, xin cóp lại mời chư vị bằng hữu cùng đọc và cùng còm men nhé!
Nhớ là đây là của cóp pi-pát chứ bài viết không nói lên quan điểm đồng tình của NON XANH XANH đâu à nha!


Chính trị gia Việt Nam làm gì sau khi nghỉ hưu?



Phần nhiều các vị chính khách, do thói quen “kín tiếng” và họ không muốn “bán” danh tiếng của mình để lấy 1 khoản thù lao nào đó trong 1 giai đoạn nào đó chưa phù hợp

Ở các nước phương Tây, việc các chính trị gia nghỉ hưu còn bận rộn hơn so với khi đương vị không còn là chuyện quá xa lạ. Họ miệt mài với những lời mời phát biểu, viết hồi ký, nói chuyện… đổi lại là các khoản thu nhập hàng trăm, nghìn đô la. Hoặc họ tất bật với vai trò cố vấn, tư vấn viên cao cấp cho các tập đoàn, tổ chức với nguồn thu hấp dẫn.

Nhưng dường như những câu chuyện tương tự như thế này rất ít hoặc rất hiếm khi có ở Việt Nam. Tại sao vậy? Các chính trị gia Việt Nam họ đang ở đâu và làm gì sau khi nghỉ hưu?

Hoạt động tự doanh của các chính trị gia

Các hoạt động tự doanh được tính bao gồm kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cụ thể và kinh doanh chất xám, danh tiếng. Không chỉ ở Việt Nam, đây luôn được coi là lĩnh vực “nhạy cảm” đối với bất kỳ cá nhân nào khi lựa chọn chính trị làm con đường tiến thân của mình. Vậy các chính trị gia có tham gia vào các hoạt động kinh doanh không?

Chỉ cần nhìn qua chúng ta cũng tự có câu trả lời: Tham gia trực tiếp thì không, nhưng các hình thức “sang tên- chuyển họ” thì được hợp thức hóa rất phong phú và đa dạng. Một số hình thức an toàn, không kém thú vị và phổ biến trên thế giới hiện nay như kinh doanh chất xám, danh tiếng thông qua vai trò cố vấn cao cấp hay tham gia thuyết giảng tại các công ty và tổ chức lớn.

Thực hiện thành công và bài bản nhất các hình thức kinh doanh danh tiếng có lẽ không nên bỏ qua cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Hiện tại, vị tổng thống thứ 42 của nước Mỹ này là cố vấn cao cấp của Info USA (còn được biết đến với tên khác là infoGROUP). Ngoài ra ông còn là chuyên gia với những bài nói chuyện mang lại giá trị khổng lồ và là tác giả của cuốn hồi ký “My life” rầm rộ một thời.

Nếu như năm 2004, “My life” đã mang lại cho ông 1 triệu đô la- số tiền tương đương với hơn 6 bài nói chuyện của ông (trung bình Bill Clinton nhận được 150 ngàn đô la cho mỗi bài nói chuyện vào năm 2004). Đến năm 2007, theo thống kê tổng thể, các khoản thu nhập của Hilary và Bill Clinton, các bài nói chuyện mang về cho Bill Clinton hơn 10 triệu đô la, chiếm ½ tổng thu nhập và gấp gần 68 lần so với lương của Thượng nghị sỹ Hilary (hơn 150 ngàn đô la) và lương hưu của Bill Clinton (khoảng 152 ngàn đô la). Quả thực đây chính là minh chứng phần nào cho câu nói: “Danh tiếng là vàng!”

Quy chiếu các hình thức này đối với các chính khách ở Việt Nam thì có thể thấy khác nhau khá nhiều. Các chính khác Việt Nam hầu như không thu lợi nhuận tài chính lớn từ các hoạt động tham gia sự kiện, thuyết giảng, nói chuyện. Lại càng hiếm hơn việc 1 chính trị gia nghỉ hưu tham gia viết hồi ký và phát hành rộng rãi với mục đích kinh doanh.

Nếu họ có tham gia công việc viết lách thì đó sẽ là những bài phân tích, bài báo ngắn được đăng trên các trang báo điện tử lớn hoặc 1 vài trang cá nhân uy tín nhằm thể hiện quan điểm cá nhân. Hoặc mong muốn đóng góp, thay đổi trong vai trò 1 công dân bình thường của đất nước.

Điển hình, chúng ta có thể tìm đọc các bài viết đăng trên các báo, tạp chí và mới đây là trên Mạng doanh nhân trí thức của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên trợ lý cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt- ông Nguyễn Trung. Những bài viết của các vị thể hiện sự đóng góp mang tính xây dựng đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Giải thích điều này, có người nói vui chắc là phần nhiều các vị chính khách, do thói quen “kín tiếng” và họ không muốn “bán” danh tiếng của mình để lấy 1 khoản thù lao nào đó trong 1 giai đoạn nào đó chưa phù hợp.

Tham gia hoạt động xã hội

Tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động thiện nguyện, cũng là 1 cách để các chính trị gia VN đi sâu sát hơn đối với quần chúng, để họ được đứng trong vai trò của một người công dân bình thường mà trước đây chưa kịp thực hiện.

“Trên thế giới hiện nay có nhiều hình thức hoạt động, ví dụ như quỹ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton được thành lập để hỗ trợ cho các hoạt động xã hội, dành cho các hoàn cảnh nghèo khó” – ông Bùi Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đưa ra ví dụ khi trao đổi chủ đề này với chúng tôi.

Còn ở ta, các chính khách Việt Nam cũng rất chú ý các hoạt động xã hội, và đây có thể coi là một thực tế khả quan. Ví dụ như bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước hiện cũng đang vận động tham gia cho một quỹ xã hội trên cơ sở đó hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích các em nhỏ học tập

Ông Bùi Tiến Dũng cũng cho hay, bản thân ông đã lựa chọn và tham gia 1 số hoạt động xã hội có ý nghĩa của Quỹ Thái Bình như: Chương trình bữa ăn miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo…

Chúng ta cũng không thể không nhắc tới 1 ví dụ điển hình, đó là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vào những năm sau thời gian đương nhiệm, ông Võ Văn Kiệt thường xuyên đi thực tế, đặc biệt tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long để tiếp xúc với đời sống nhân dân và phần nào ông muốn kiểm chứng lại những chính sách, quyết định mình đưa ra được thực hiện và mang lại hiệu quả tới đâu.

Tuy nhiên, việc các chính khách đã nghỉ hưu tiếp tục tham gia đóng góp cho hoạt động xã hội ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phổ biến, dù đây là công việc phù hợp với các vị, không quá tốn nhiều thời gian và suy nghĩ. Và điều này cũng phần nào giúp các vị khỏa lấp sự hụt hẫng khi chưa kịp thích nghi với sự nhàn rỗi.

Lui về “ở ẩn”

Những nhà lãnh đạo các cấp nói chung sau quá trình cống hiến, thực hiện nhiệm vụ, họ thấy đến thời điểm cần phải trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Bây giờ họ đã đến tuổi, không còn được nhanh nhẹn và có sức bật như tuổi trẻ nữa

Không trực tiếp tham gia kinh doanh, ít nhận lời tham gia các hoạt động xuất hiện trước công chúng, chỉ 1 vài vị tập trung cho các hoạt động xã hội, liệu các chính trị gia Việt Nam có được coi là “thiếu năng động” hay quá “yên phận” trong thời gian “hậu chính trường” của mình? Cũng có thể! Nhưng dù thế nào thì cũng hãy cứ để cho họ không gian thư giãn và tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng, tĩnh dưỡng sau khoảng thời gian năng nổ hoạt động và cống hiến

Bên cạnh việc một số chính khách tiếp tục lựa chọn các hoạt động chuyên môn như tham gia làm cố vấn cho Chính phủ, các công ty, có thể nhắc tới 1 vài gương mặt vẫn tích cực tham gia công tác với vị thế mới.Đó là ông Cao Sỹ Kiêm- nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia); ông Trần Xuân Giá- nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu Tư (hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB); ông Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (hiện là cố vấn cao cấp cho Tổng cục Quản lý đất đai, tư vấn độc lập cho nhiều tổ chức phát triển quốc tế)… Còn lại số đông các vị chính khách Việt Nam lựa chọn cuộc sống an nhàn và có phần lui về “ở ẩn”.

Lý giải hiện tượng này, ông Bùi Tiến Dũng cho rằng những nhà lãnh đạo các cấp nói chung sau quá trình cống hiến, thực hiện nhiệm vụ, họ thấy đến thời điểm cần phải trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Bây giờ họ đã đến tuổi, không còn được nhanh nhẹn và có sức bật như tuổi trẻ nữa

Không trực tiếp tham gia kinh doanh, ít nhận lời tham gia các hoạt động xuất hiện trước công chúng, chỉ 1 vài vị tập trung cho các hoạt động xã hội, liệu các chính trị gia Việt Nam có được coi là “thiếu năng động” hay quá “yên phận” trong thời gian “hậu chính trường” của mình? Cũng có thể! Nhưng dù thế nào thì cũng hãy cứ để cho họ không gian thư giãn và tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng, tĩnh dưỡng sau khoảng thời gian năng nổ hoạt động và cống hiến.

THÁI BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét